Bón Vôi Cho Đất Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Của Vôi Bột
Bón vôi cho cây là một phương pháp quan trọng trong nông nghiệp, giúp cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách bón vôi cho đất, tại sao bón vôi lại cải tạo được đất mặn chua, và các phương pháp sử dụng vôi hiệu quả trong canh tác nông nghiệp.
8 Lợi Ích Của Vôi Bột Cho Nông Nghiệp

Cải thiện độ pH của đất
Bón vôi cho đất giúp điều chỉnh độ pH của đất, đặc biệt là đối với đất chua. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hầu hết các loại cây trồng phát triển tốt nhất trong môi trường đất có độ pH từ 6.0 đến 7.0. Bón vôi giúp nâng cao độ pH của đất chua, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng.
Tăng cường cấu trúc đất
Vôi giúp cải thiện cấu trúc đất bằng cách tạo ra các liên kết giữa các hạt đất, làm cho đất tơi xốp hơn. Điều này giúp tăng khả năng giữ nước và thoát nước của đất, đồng thời cải thiện sự lưu thông không khí trong đất.
Kích thích hoạt động của vi sinh vật có lợi
Bón vôi cho đất tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển. Các vi sinh vật này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hủy chất hữu cơ và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng
Trong vôi nông nghiệp chứa 1 lượng lớn canxi giúp cây trồng cứng chắc, ít sâu bệnh hơn. Ngoài ra vôi đen hay còn gọi là vôi dolomite còn cung cấp thêm magie cho cây trồng.
Giảm độc tính của một số nguyên tố trong đất
Nhiều nguyên tố kim loại nặng, chẳng hạn như nhôm và mangan, trở nên độc hại cho cây trồng khi đất có độ pH thấp (đất chua). Khi vôi được bón vào đất, nó làm tăng pH của đất, khiến các kim loại này kết tủa dưới dạng các hợp chất không tan hoặc ít tan trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ của cây trồng và do đó giảm độc tính của chúng.
Giảm sự phát triển của mầm bệnh trong đất
Vôi có tính kiềm mạnh, giúp ức chế sự phát triển của một số loại nấm và vi khuẩn gây bệnh trong đất.
Đất có pH thấp (chua) thường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài tuyến trùng gây hại, vì điều kiện này có thể làm giảm số lượng vi sinh vật đối kháng trong đất, từ đó tuyến trùng dễ dàng phát triển và gây hại cho cây trồng.
Việc điều chỉnh pH đất thông qua bón vôi cho đất để đưa pH lên mức trung tính hoặc hơi kiềm có thể giúp giảm sự phát triển của tuyến trùng, từ đó giảm thiểu tác hại của chúng đối với cây trồng.
Tăng hiệu quả sử dụng phân bón
Khi đất có độ pH phù hợp nhờ bón vôi, cây trồng có thể hấp thu dinh dưỡng từ phân bón hiệu quả hơn, giúp tăng năng suất cây trồng.
Tối ưu chi phí sản xuất
Vôi là một biện pháp cải tạo đất rất rẻ nhưng mang lại hiệu quả cực kì cao. Giá vôi trên thị trường hiện nay dao động từ 2,000-4,000 VND/kg tùy theo chất lượng sản phẩm.
Vì Sao Bón Vôi Lại Cải Tạo Được Đất Mặn
Đất mặn là một trong những vấn đề lớn đối với nông nghiệp, đặc biệt là ở các vùng ven biển hoặc vùng đất bị xâm nhập mặn như Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bón vôi có thể giúp cải tạo đất mặn hiệu quả vì đất mặn thường chứa nhiều ion natri (Na+), gây hại cho cây trồng. Khi bón vôi, các ion canxi (Ca2+) trong vôi sẽ thay thế ion natri trên bề mặt các hạt đất. Quá trình này được gọi là trao đổi ion, giúp giảm độ mặn của đất.

Vì Sao Bón Vôi Lại Cải Tạo Được Đất Chua
Vôi sẽ giúp trung hòa độ chua trong đất bằng cách làm giảm nồng độ H⁺ trong đất. Từ đó giúp cây có thể lấy các vi lượng có sẵn trong đất mà khi đất bị chua thì cây không thể hấp thụ được.
Đất chua có độ pH thấp do chứa nhiều ion hydro (H⁺) và nhôm (Al³⁺) trong dung dịch đất. Khi vôi (CaO hoặc Ca(OH)₂) được bón vào đất, nó phản ứng với các ion H⁺ để tạo thành nước, đồng thời phản ứng với ion Al³⁺ để tạo thành các hợp chất không độc hại. Quá trình này làm giảm nồng độ H⁺ trong đất, từ đó làm tăng độ pH, giảm độ chua của đất.

Các Loại Vôi Nông Nghiệp Và Ứng Dụng
Vôi nông nghiệp có nhiều loại khác nhau, mỗi loại có đặc tính và ứng dụng riêng trong canh tác nông nghiệp:
Vôi Nung (CaO)
Vôi Nung là sản phẩm thu được từ quá trình nung đá vôi (CaCO₃) ở nhiệt độ cao để tạo ra canxi oxit (CaO).
Vôi nung có tính kiềm mạnh và được sử dụng để cải tạo đất chua, diệt nấm khuẩn.
Nấm khuẩn thường phát triển tốt ở môi trường pH trung tính hoặc hơi axit, vì vậy khi pH tăng cao, môi trường trở nên không thuận lợi cho sự phát triển và tồn tại của chúng.
Lưu ý khi sử dụng vôi nung:
- Không nên bón vôi nung vào lúc hạn hán thiếu nước, vì bản chất của vôi nung là háo nước khi bạn bón vào thì vôi nung sẽ hút hơi ẩm ở trên mặt đất làm cho tình trạng thiếu nước của cây trở nên trầm trọng, bên cạnh đó vôi nung còn tỏa nhiệt khi hút ẩm kết hợp cùng tình trạng hạn hán nắng nóng có thể gây cháy đầu rễ non.
- Không nên bón vôi sống trực tiếp lên lá và quả vì có thể gây cháy lá và rụng quả.
Nhiều nông dân thắc mắc Vôi Nung và Vôi Sống có phải cùng một loại hay không ? Thật chất đây là 1 loại, hy vọng thông tin này có thể giúp bà con không còn bị nhầm lẫn nữa.

Vôi tôi (Ca(OH)₂)
Được tạo ra khi vôi sống (CaO) phản ứng với nước, tạo thành canxi hydroxit (Ca(OH)₂). Vôi tôi ít kiềm hơn so với vôi sống và thường được dùng trong nông nghiệp để cải thiện độ pH của đất.
Vôi dolomite (CaMg(CO₃)₂)
Vôi dolomite được sản xuất từ đá dolomite, một loại đá trầm tích có chứa cả canxi và magiê. Loại vôi này thường được sử dụng trong nông nghiệp để cải tạo đất, đặc biệt là trong các khu vực đất nghèo magiê, Nhưng loại này có hàm lượng canxi thấp hơn vôi nung và vôi tôi.

Cách Bón Vôi Cho Cây
Để xác định chính xác lượng vôi cần bón thì các bác bạn có thể dùng giấy quỳ hoặc máy đo ph chuyên dụng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2008), hướng dẫn về lượng vôi cần bón để thay đổi pH đất như sau:
- Đối với đất có pH từ 3.5 – 4.5: Cần bón từ 1.5 – 2 tấn vôi/ha để nâng pH đất lên khoảng 5.5 – 6.0.
- Đối với đất có pH từ 4.5 – 5.5: Cần bón từ 1 – 1.5 tấn vôi/ha để nâng pH đất lên mức trung tính từ 6.0 – 6.5.
- Đối với đất có pH từ 5.5 – 6.5: Chỉ cần bón từ 0.5 – 1 tấn vôi/ha để duy trì pH đất ở mức lý tưởng.
Ngoài cách bón vôi trực tiếp lên gốc thì quý bà con cũng có thể ngâm vôi để tưới cây theo các bước sau đây:
- Trộn 1 kg vôi bột với 10 lít nước sạch.
- Khuấy đều và để yên trong 24 giờ.
- Sau 24 giờ, lọc bỏ cặn vôi, chỉ giữ lại phần nước trong.
- Pha loãng dung dịch vôi đã lọc theo tỷ lệ 1:10 với nước sạch và sau đó dùng dung dịch này để tưới gốc.
Lưu ý khi bón vôi cho đất
Không sử dụng các loại vôi nông nghiệp với phân hóa học, vì vôi sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng của phân hóa học nhất là phân chứa đạm. Sau khi bón vôi, nên chờ ít nhất 10 – 15 ngày rồi mới bón phân hóa học. Điều này giúp vôi có đủ thời gian phản ứng với đất và điều chỉnh pH, từ đó tránh hiện tượng phân bón bị mất hiệu lực do tương tác với vôi.
Thời điểm thích hợp để bón vôi trong năm là sau khi thu hoạch vì sau khi thu hoạch, đất thường bị cạn kiệt dinh dưỡng và có thể trở nên chua. Bón vôi sau khi thu hoạch sẽ giúp tái tạo lại độ pH đất trước khi bước vào vụ mới, quý bà con cũng có thể bón vôi vào đầu mùa mưa.
Trong những giai đoạn quan trọng của cây trồng nếu bạn muốn bổ sung canxi thì bạn nên dùng phân canxi nitrat hoặc canxi bo bởi dạng phân này sẽ được cây hấp thụ nhanh chóng hơn so với vôi bột.
Chỉ bón vôi vừa đủ tránh trường hợp bón quá nhiều khiến cho đất bị kiềm, đất kiềm cũng sẽ khiến cho cây khó hấp thu được dinh dưỡng dẫn tới tình trạng cây còi cọc kém phát triển. Để biết đất của quý bà con có bị kiềm hay không thì bà con có thể dùng máy đo ph hoặc quỳ tím để đo ph. Đo ph sau 7 tới 10 ngày bón vôi.